Bổ sung luật bóng đá 2016/2017

 NỘI DUNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT BÓNG ĐÁ 2016/2017

(Ban hành kèm theo Quyết định số:              /QĐ-LĐBĐVN ngày   tháng   năm 2016)

Luật 1. Sân thi đấu

  • Không thể kết hợp mặt sân tự nhiên và nhân tạo

Mặt sân thi đấu phải hoàn toàn là sân cỏ tự nhiên, hoặc nhân tạo.

  • Các điều lệ giải có thể quyết định chiều dài của các đường biên

Các giải có thể quy định chiều dài đường biên dọc và biên ngang trong kích thước cho phép (nêu trong Luật 1).

01.5 Quảng cáo trên sân

Không cho phép bất kỳ hình thức quảng cáo thương mại nào, dù là hình ảnh thực hay ảo, xuất hiện trên mặt sân thi đấu, và khu vực xung quanh sân gần lưới cầu môn hoặc khu vực kỹ thuật, hoặc trong khỏang cách 1m từ các đường biên, kể từ thời điểm các đội vào sân thi đấu.

01.6 Logo và biểu trưng trên cờ góc

Không cho phép mô phỏng, dù hình ảnh thực hay ảo, các logo đại diện hoặc biểu trưng của FIFA, các LĐBĐ châu lục, LĐBĐ QG, các giải đấu, các CLB hoặc các đơn vị khác trên mặt sân thi đấu, lưới cầu môn và các khu vực lân cận, cầu môn, cột cờ trong thời gian thi đấu. Việc mô phỏng chỉ được phép xuất hiện trên lá cờ góc.

Luật 2. Không thay đổi

Luật 3 – Cầu thủ

03.2  Số lượng cầu thủ

Trận đấu không được bắt đầu hoặc tiếp tục nếu một trong 2 đội không đủ tối thiểu 7 cầu thủ.

03.3 Sau khi thay thế cầu thủ

Các cầu thủ dự bị có thể thực hiện việc bắt đầu lại trận đấu trong bất kỳ tình huống nào với điều kiện đã đặt chân vào trong sân (đã hoàn tất thủ tục thay thế cầu thủ).

03.5 Người ngoài cuộc

Bất kỳ thành viên nào không được đăng ký trong danh sách đội với tư cách là cầu thủ chính thức, cầu thủ dự bị, quan chức đội bóng sẽ coi là người ngoài cuộc.

Giải thích

Cầu thủ đã bị truất quyền thi đấu không được coi như người ngoài cuộc. Nếu cầu thủ này can thiệp vào trận đấu, đội bóng sẽ bị quả phạt trực tiếp hoặc phạt đền.

03.6 Vi phạm do cầu thủ dự bị và quan chức đội bóng

Nếu trận đấu phải dừng lại do sự ảnh hưởng bởi:

Quan chức đội bóng, cầu thủ dự bị, cầu thủ đã bị thay thế, cầu thủ đã bị truất quyền thi đấu, trận đấu sẽ bắt đầu lại bằng quả phạt trực tiếp hoặc phạt đền.

03.7 Cầu thủ bị truất quyền thi đấu trước hoặc sau khi bắt đầu trận đấu

Nội dung bổ sung

Cầu thủ bị truất quyền thi đấu:

  • Trước khi đội bóng nộp danh sách thi đấu, sẽ không được đăng ký trong danh sách thi đấu với bất kỳ danh nghĩa nào
  • Sau khi đội bóng đã nộp danh sách đăng ký thi đấu và trước khi trận đấu bắt đầu, có thể được thay thế bởi 1 cầu thủ dự bị đã có tên trong danh sách và đội bóng không được đăng ký bổ sung cầu thủ dự bị.
  • Sau khi trận đấu bắt đầu, không thể thay thế.

03.8 Cầu thủ dự bị/quan chức đội bóng/người ngoài cuộc chạm vào bóng khi đang vào cầu môn

Nếu bóng đang vào cầu môn và sự can thiệp không cản trở hậu vệ chơi bóng, bàn thắng sẽ được công nhận nếu bóng vẫn vào cầu môn (thậm chí đã chạm vào bóng) ngoại trừ bóng vào cầu môn đối phương.

03.9 Bàn thắng được ghi khi có người thừa trên sân

Nếu sau khi bàn thắng được ghi, trước khi trận đấu bắt đầu lại, trọng tài nhận thấy có thừa người trên sân khi bàn thắng được ghi:

  • Trọng tài không được phép công nhận bàn thắng nếu người đó là:
  • cầu thủ, cầu thủ dự bị, cầu thủ đã được thay thế, cầu thủ đã bị truất quyền thi đấu hoặc quan chức của đội bóng ghi bàn thắng
  • người ngoài cuộc can thiệp vào trận đấu, trừ khi đó là hành động ngăn cản bàn thắng (không thành công).

Trận đấu sẽ bắt đầu lại bằng quả phát bóng, phạt góc hoặc thả bóng (…)

Nếu sau khi bàn thắng được ghi và trận đấu đã được bắt đầu lại, trọng tài nhận ra thừa người trên sân khi bàn thắng được ghi, bàn thắng đó phải được công nhận. Nếu người thừa vẫn trên sân, trọng tài phải:

  • Dừng trận đấu
  • Yêu cầu người thừa ra khỏi sân
  • Bắt đầu lại trận đấu một cách thích hợp bằng quả thả bóng hoặc quả đá phạt.

Trọng tài phải báo cáo tình huống cho tổ chức có thẩm quyền.

Luật 4 – Trang thiết bị của cầu thủ

04.1 Băng quấn quanh tất

Băng dán hoặc bất kỳ chất liệu nào được dán hoặc phủ bên ngoài lớp tất đều phải cùng màu với phần tất tại vị trí được dán hoặc phủ lên đó.

04.2 Tuột giầy hoặc bọc ống chân

Cầu thủ khi vô tình bị tuột giầy hoặc bọc ống chân phải thay thế nó càng sớm càng tốt và chậm nhất là khi bóng ngoài cuộc trong tình huống kế tiếp; nếu trước khi thực hiện điều đó mà cầu thủ đó chơi bóng hoặc ghi bàn thắng, bàn thắng vẫn được công nhận.

04.3 Màu của đồ mặc bên trong

Áo mặc bên trong (có tay) phải cùng màu với màu chính của tay áo; quần bó mặc bên trong phải cùng màu với màu quần ngoài hoặc cùng màu với phần viền phía dưới của quần ngoài – cầu thủ cùng 1 đội phải mặc màu giống nhau.

04.4  Mũ

Thủ môn được phép sử dụng mũ nếu không gây nguy hiểm

04.5 Các phương tiện liên lạc điện tử với cầu thủ (bao gồm cả cầu thủ dự bị)

Không được phép sử dụng các phương tiện liên lạc điện tử giữa cầu thủ, cầu thủ dự bị cầu thủ đã thay thế, cầu thủ bị truất quyền thi đấu và các quan chức đội bóng trong khu vực kỹ thuật.

04.6 Cầu thủ trở lại sân sau khi thay/chỉnh đốn trang phục

Cầu thủ rời sân để chỉnh đốn hoặc thay trang phục phải:

  • Được quan chức trận đấu kiểm tra trang phục trước khi được phép trở lại sân
  • Chỉ được trở lại sân khi trọng tài đã cho phép (kể cả khi bóng đang trong cuộc)

Luật 5: Trọng tài

05.2 Quyết định của trọng tài

Trọng tài có thể thay đổi quyết định khi nhận ra rằng quyết định đó không đúng hoặc với sự tư vấn của quan chức khác của trận đấu nếu trọng tài đã ra ký hiệu kết thúc hiệp 1 hoặc hiệp 2 (bao gồm cả hiệp phụ) và chưa rời khỏi sân.

05.3 Các lỗi vi phạm trong cùng 1 thời điểm

Phạt lỗi nặng hơn nếu có nhiều lỗi vi phạm cùng một lúc, dựa trên mức độ xử lý kỷ luật, hình thức bắt đầu lại trận đấu, tính nghiêm trọng và mức độ ảnh hưởng về chiến thuật thi đấu.

05.4 Quyền được đưa ra các hình thức phạt từ thời điểm kiểm tra sân trước trận đấu

Trọng tài có quyền đưa ra các hình thức phạt kể từ lúc vào sân thi đấu để kiểm tra sân  cho tới khi rời khỏi sân thi đấu sau khi trận đấu kết thúc (bao gồm cả thời gian đá luân lưu 11 mét). Nếu trước khi vào sân thi đấu lúc bắt đầu trận đấu, một cầu thủ có hành vi phải bị truất quyền thi đấu trọng tài có quyền không cho phép cầu thủ đó được tham gia vào trận đấu (xem Luật 3.6). Trọng tài sẽ báo cáo về hành vi sai phạm.

05.5 Quyền sử dụng thẻ vàng và thẻ đỏ

Trọng tài có quyền sử dụng thẻ vàng hoặc thẻ đỏ từ khi vào sân để bắt đầu trận đấu cho tới sau khi trận đấu kết thúc, bao gồm cả thời gian nghỉ giữa hai hiệp, thời gian đá hiệp phụ và đá luân lưu 11 mét.

05.6 Cầu thủ có thể được chữa trị/xem xét chấn thương nhanh trên sân  sau lỗi phạt thẻ vàng/đỏ

Cầu thủ bị chấn thương do lỗi liên quan đến va chạm thân thể và cầu thủ đối phương bị cảnh cáo hoặc truất quyền thi đấu (ví dụ: phạm lỗi mức độ liều lĩnh hoặc lỗi nghiêm trọng), nếu việc đánh giá/chữa trị có thể hoàn tất nhanh chóng

05.7 Ảnh hưởng của  nhân tố bên ngoài chạm bóng khi bóng đang vào cầu môn

 Nếu có thêm một quả bóng khác, một vật thể hoặc động vật ở trên sân thi đấu trong  khi trận đấu đang diễn ra, trọng tài phải: Dừng trận đấu (và bắt đầu lại trận đấu bằng một quả thả bóng) chỉ khi những thứ nêu trên làm ảnh hưởng đến trận đấu, trừ khi bóng đang vào  cầu môn và những thứ nêu trên không cản trở cầu thủ phòng ngự chơi bóng, bàn thắng được công nhận nếu bóng vào cầu môn (kể cả khi bóng bị chạm) trừ khi bóng vào cầu môn đối phương

Luật 7: Thời gian của trận đấu

07.1 Thời gian bù giờ

Trọng tài cho phép bù giờ vào mỗi hiệp đấu dựa trên việc tính toán thời gian bị mất trong toàn bộ hiệp đấu, kể cả thời gian tạm dừng trận đấu để bổ sung nước hay vì các lý do y tế khác được cho phép trong điều lệ giải

Luật 8: Bắt đầu và bắt đầu lại trận đấu

08.3 Giao bóng: Bóng phải được đá và đã di chuyển rõ ràng để được coi là vào cuộc ; bóng có thể được đá về bất cứ hướng nào

08.5 Trọng tài không áp đặt việc tranh quả thả bóng

Bất cứ cầu thủ nào cũng có thể tham gia tranh bóng đối với quả thả bóng (bao gồm cả thủ môn); trọng tài không thể quyết định ai được phép tham gia tranh bóng   hoặc áp đặt kết quả của quả thả bóng.

08.6 Quả thả bóng được đá trực tiếp vào cầu môn

 Bàn thắng không được công nhận nếu bóng từ quả thả bóng được đưa vào cầu môn đối phương mà không chạm ít nhất hai cầu thủ.

Luật 10: Quyết định kết quả trận đấu

10.2.1 Lựa chọn cầu môn để đá luân lưu 11 mét

Ngoài những yếu tố cần cân nhắc khác (ví dụ: điều kiện sân, vấn đề an toàn…), trọng tài sẽ tung đồng xu để quyết định chọn cầu môn đá luân lưu và chỉ có thể thay đổi vì lý do an toàn hoặc nếu cầu môn hoặc bề mặt sân không thể sử dụng được nữa.

10.2.2 Cầu thủ được quyền tham gia thi đấu luân lưu 11m (bao gồm cả cầu thủ tạm thời rời sân)

Ngoại trừ cầu thủ thay thế cho thủ môn bị chấn thương, chỉ những cầu thủ ở trên sân hoặc tạm thời rời khỏi sân (do chấn thương hoặc chỉnh lại trang phục…) vào cuối trận đấu mới được quyền thực hiện đá luân lưu 11 mét.

10.2.4 Việc cân bằng số lượng cầu thủ trong thi đấu luân lưu 11m

Nếu vào cuối trận đấu và trước khi hoặc trong khi thực hiện đá luân lưu, một trong hai đội có số cầu thủ nhiều hơn đội đối phương, đội đó phải giảm số cầu thủ cho bằng đội đối phương và trọng tài phải được thông báo về tên và số áo của cầu thủ bị cắt giảm.

10.2.5 Thủ môn không thể tiếp tục:

Nếu thủ môn không thể tiếp tục thi đấu trước khi hoặc trong quá trình đá luân lưu mà đội bóng đó chưa sử dụng hết số cầu thủ được thay thế tối đa, có thể thay thủ môn bằng 1 cầu thủ dự bị đã được đăng ký hoặc thay bằng 1 trong số các cầu thủ bị cắt giảm để cân bằng số lượng cầu thủ của hai đội trước đó, nhưng thủ môn thay ra sẽ không được tham gia thi đấu nữa và không được thực hiện lượt đá nào.

10.2.6 Khi nào quả đá luân lưu hoàn tất

Quả đá luân lưu hoàn tất khi bóng dừng lại, ra ngoài sân hoặc trọng tài dừng trận đấu khi có bất cứ vi phạm nào về Luật thi đấu.

10.2.8 Cầu thủ rời sân

Quá trình đá luân lưu 11m không bị trì hoãn nếu có một cầu thủ rời sân. Nếu cầu thủ đó không trở lại sân đúng lúc để thực hiện lượt đá của mình thì sẽ bị xem như đã thực hiện lượt đá đó mà không có bàn thắng được ghi.

Luật 11 – Việt vị

11.1 Đường kẻ giữa sân

Một cầu thủ bị coi là ở vị trí việt vị nếu:

Bất cứ phần nào của đầu, cơ thể hoặc chân ở phần sân đối phương (không bao gồm đường kẻ giữa sân)

11.2 Cánh tay của cầu thủ

Cầu thủ ở vị trí việt vị nếu:

Bất cứ phần nào của đầu, cơ thể hoặc chân gần với đường biên ngang của đối phương hơn so với bóng và cầu thủ đối phương cuối cùng thứ hai. Tay và cánh tay của tất cả cầu thủ, bao gồm thủ môn, không được tính đến.

11.5 Vị trí quả đá phạt việt vị

Nếu lỗi việt vị xảy ra, trọng tài cho đội đối phương được hưởng quả đá phạt gián tiếp tại vị trí xảy ra lỗi,  bao gồm cả trường hợp nếu lỗi xảy ra tại phần sân của chính cầu thủ đó.

11.6 Cầu thủ phòng ngự ở ngoài sân

Cầu thủ phòng ngự rời khỏi sân mà không được phép của trọng tài sẽ bị coi là ở trên đường biên ngang hoặc biên dọc để trọng tài xem xét vị trí việt vị của cầu thủ đối phương, cho tới khi bóng dừng cuộc ở tình huống  tiếp theo hoặc cho tới khi đội phòng ngự đưa bóng hướng về phía đường giữa sân  và bóng đã ra ngoài khu vực phạt đền. Nếu cầu thủ cố tình rời khỏi sân, sẽ bị cảnh cáo khi bóng ngoài cuộc trong tình huống kế tiếp.

11.7 Cầu thủ tấn công ở ngoài sân

Cầu thủ đội tấn công có thể bước ra khỏi sân hoặc đứng yên bên ngoài sân và không tham gia vào trận đấu. Nếu cầu thủ đó vào lại sân từ đường biên ngang hoặc đường biên dọc và tham gia vào trận đấu trước khi bóng dừng cuộc ở tình huống kế tiếp, hoặc đội phòng ngự đưa bóng hướng về đường giữa sân và bóng đã ra khỏi khu phạt đền của họ thì cầu thủ đội tấn công đó được xem là đang trên đường biên ngang hay biên dọc để trọng tài làm căn cứ xem xét tình huống việt vị. Nếu cầu thủ cố ý rời sân và trở lại sân không được trọng tài cho phép, không bị phạt lỗi việt vị và được hưởng lợi thế thì cầu thủ đó phải bị cảnh cáo.

11.8 Cầu thủ tấn công ở trong cầu môn:

Nếu một cầu thủ tấn công đứng yên trong cầu môn đối phương khi  bóng  đi vào cầu môn, bàn thắng phải được công nhận, trừ khi cầu thủ đó phạm lỗi việt vị hoặc  phạm lỗi theo Luật 12. Khi đó trận đấu được tiếp tục lại  với quả phạt gián tiếp hoặc trực tiếp.

Luật 12: Lỗi và hành vi sai trái

12.2 Phạt trực tiếp – bổ sung “tranh bóng”

Đội đối phương được hưởng một quả phạt trực tiếp nếu cầu thủ vi phạm một trong các lỗi sau theo cách thức mà trọng tài thấy là bất cẩn, liều lĩnh hoặc sử dụng lực quá mức:

Xoạc hoặc tranh bóng

12.6 Phạt trực tiếp –  bổ sung “cản trở cầu thủ đối phương có va chạm”

Đội đối phương sẽ được hưởng quả phạt trực tiếp nếu cầu thủ vi phạm một trong các lỗi sau:

Cản trở cầu thủ đối phương có va chạm

12.8 Quyền đưa ra các quyết định kỷ luật khi kiểm tra sân trước trận đấu

Trọng tài có quyền đưa ra các quyết định kỷ luật từ lúc vào sân thi đấu để kiểm tra sân trước trận đấu cho tới khi rời khỏi sân thi đấu sau khi trận đấu kết thúc (bao gồm cả đá luân lưu 11 mét).

Nếu trước khi vào sân thi đấu để bắt đầu trận đấu, cầu thủ phạm lỗi bị truất quyền thi đấu, trọng tài có quyền không cho cầu thủ đó tham gia thi đấu (xem luật 3.6). Trọng tài sẽ báo cáo về những hành vi sai trái.

12.9 Áp dụng phép lợi thế đối với tình huống phạm lỗi thẻ đỏ và cầu thủ sau đó có tham gia

Phép lợi thế không nên áp dụng khi cầu thủ phạm lỗi nghiêm trọng, hành vi bạo lực hoặc phạm lỗi phải cảnh cáo lần thứ hai, trừ khi đội bị phạm lỗi có cơ hội ghi bàn rõ rệt. Trọng tài phải truất quyền thi đấu cầu thủ đó ngay khi bóng dừng cuộc ở tình huống tiếp theo. Nếu cầu thủ phạm lỗi đó tiếp tục chơi bóng hoặc tranh bóng hay làm ảnh hưởng tới cầu thủ đối phương, trọng tài sẽ cho dừng trận đấu, truất quyền thi đấu cầu thủ đó và tiếp tục lại trận đấu với một quả phạt gián tiếp.

12.10 Cảnh cáo vì dùng tay chơi bóng

Có rất nhiều các tình huống khác nhau  khi cầu thủ phải bị cảnh cáo đối với những hành vi phi thể thao, bao gồm việc nếu cầu thủ:

  • Phạm lỗi hoặc dùng tay chơi bóng để can thiệp hoặc ngăn cản một đường tấn công triển vọng
  • Dùng tay chơi bóng nhằm ghi bàn thắng (kể cả việc cố gắng đó có thành công hay không) hoặc trong một tình huống nỗ lực nhưng không thành công để ngăn cản 1  bàn thắng

12.11 Ngăn cản một cơ hội ghi bàn rõ rệt trong khu vực phạt đền

Nếu cầu thủ ngăn cản một bàn thắng hoặc một cơ hội ghi bàn rõ rệt của đối phương bằng cách cố tình dùng tay chơi bóng dù bất kỳ ở đâu cũng sẽ bị truất quyền thi đấu.

Nếu cầu thủ phạm lỗi với cầu thủ đối phương trong khu vực phạt đền của đội mình nhằm ngăn cản một cơ hội ghi bàn rõ rệt và trọng tài cho đội đối phương hưởng quả phạt đền, cầu thủ phạm lỗi sẽ bị cảnh cáo trừ các trường hợp sau :

  • Lỗi là túm, kéo hoặc xô đẩy hoặc
  • Cầu thủ phạm lỗi không vì tìm chơi bóng hoặc không có cơ hội hay khả năng nào để cầu thủ có thể tham gia tranh bóng, chơi bóng hoặc
  • Lỗi là một trong những lỗi phải phạt thẻ đỏ nếu xảy ra tại bất cứ vị trí nào trên phạm vi sân thi đấu (vd phạm lỗi nghiêm trọng, hành vi bạo lực…)

Trong tất cả các trường hợp kể trên, cầu thủ bị truát quyền thi đấu.

12.12 Phạm lỗi nghiêm trọng khi tranh cướp bóng:

Hành động xoạc hoặc tranh cướp bóng mà gây nguy đến sự an toàn của cầu thủ đối phương phải bị coi là phạm lỗi nghiêm trọng.

12.13 Hành vi bạo lực – không va chạm

Hành vi bạo lực là khi cầu thủ sử dụng hoặc tìm cách sử dụng lực quá mức  hoặc thô bạo với cầu thủ đối phương khi không tham gia tranh bóng, hoặc đối với  đồng đội, quan chức đội bóng, quan chức trận đấu, cổ động viên hoặc bất cứ người nào khác. Cho dù có va chạm cơ thể hay không

12.14 Hành vi bạo lực – va chạm phần đầu hoặc mặt

Ngoài ra, một cầu thủ khi không tham gia tranh  bóng, cố tình dùng tay hoặc cánh tay tấn công 1 cầu thủ đối phương hoặc bất cứ người nào khác ở phần đầu hoặc mặt, sẽ bị coi là có hành vi bạo lực, trừ khi lực sử dụng là không đáng kể.

12.15 Lỗi đối với cầu thủ dự bị, quan chức đội bóng, quan chức trận đấu…

Nếu bóng đang trong cuộc và cầu thủ phạm lỗi trong sân thi đấu đối với:

  • Một cầu thủ đối phương – phạt gián tiếp, trực tiếp hoặc phạt đền
  • Một đồng đội, cầu thủ dự bị, cầu thủ đã được thay ra, quan chức đội bóng hoặc quan chức trận đấu – phạt trực tiếp hoặc phạt đền.
  • Bất cứ người nào khác – quả thả bóng

12.16 Lỗi xảy ra ngoài sân thi đấu:

Nếu bóng đang trong cuộc, một cầu thủ rời sân và hành động đó vẫn như là một phần của việc chơi bóng mà phạm lỗi đối với 1 cầu thủ khác, trận đấu sẽ được bắt đầu lại bằng quả phạt trực tiếp được thực hiện trên đường giới hạn sân thi đấu gần nhất với nơi xảy ra lỗi; nếu cầu thủ phạm lỗi phải phạt trực tiếp trong phạm vi khu vực phạt đền của đội mình, sẽ bị phạt quả phạt đền.

Luật 13 –  Các quả đá phạt

Đội đối phương sẽ được hưởng quả đá phạt trực tiếp hoặc gián tiếp nếu cầu thủ phạm lỗi hoặc có những vi phạm khác.

13.2 Vị trí của quả  đá phạt:

Mọi quả đá phạt đều được thực hiện tại vị trí xảy ra vi phạm, ngoại trừ các trường hợp theo quy định của luật.

13.3 Lỗi ngoài sân

Nếu cầu thủ vào sân, trở lại sân, rời sân mà không được sự cho phép của trọng tài, nếu trọng tài dừng trận đấu để xử phạt, đội đối phương sẽ được hưởng một quả phạt gián tiếp tại điểm có bóng khi trận đấu dừng.

Nếu cầu thủ rời sân thi đấu và hành động này là 1 phần của việc thi đấu và phạm lỗi với 1 cầu thủ khác, trận đấu được tiếp tục lại bằng quả đá phạt được thực hiện trên đường biên gần nhất với nơi xảy ra lỗi; nếu cầu thủ đội phòng ngự phạm lỗi phải phạt trực tiếp bên ngoài sân trong phạm vi khu vực phạt đền của đội mình, sẽ bị quả phạt đền.

13.4 Bóng vào cuộc sau quả đá phạt

Trong các quả đá phạt, bóng được được xem là trong cuộc khi nó đã được đá và di chuyển một cách rõ ràng.

13.5 Chặn/can thiệp quả đá phạt

Nếu cầu thủ thực hiện quả đá phạt nhanh và cầu thủ đối phương đứng cách bóng gần hơn 9m15 đã chặn được bóng, trọng tài phải để cho trận đấu tiếp tục. Tuy nhiên, cầu thủ đối phương cố tình ngăn cản quả đá phạt được thực hiện  nhanh phải bị cảnh cáo vì hành vi trì hoãn việc bắt đầu lại trận đấu.

Luật 14: Phạt đền

Quả phạt đền được thực hiện nếu cầu thủ phạm lỗi phạt trực tiếp trong phạm vi khu vực phạt đền của đội mình  hoặc ngoài sân nhưng vẫn như một phần của việc chơi bóng mà đã đề cập trong Luật 12 và 13.

14.2 Vị trí tĩnh và chuyển động của bóng:

Bóng:

  • Phải ở thế tĩnh trên chấm phạt đền
  • Bóng được coi là trong cuộc khi bóng được đá và di chuyển một cách rõ ràng

14.3 Khi quả phạt đền được thực hiện hoàn tất (xem 10.2.6)

Quả phạt đền được xem là hoàn tất khi bóng dừng lại, ra ngoài cuộc hoặc trọng tài dừng trận đấu khi có bất cứ vi phạm Luật thi đấu nào.

14.4 Một số vi phạm luôn bị phạt bằng quả phạt gián tiếp

Một khi trọng tài đã ra hiệu cho đá quả phạt đền thì quả phạt đền phải được thực hiện. Nếu trước khi bóng vào cuộc, mà một trong những trường hợp sau xảy ra:

Cầu thủ thực hiện quả phạt đền hoặc đồng đội của anh ta vi phạm Luật thi đấu:

  • Nếu bóng vào cầu môn, quả phạt đền được thực hiện lại
  • Nếu bóng không vào cầu môn, trọng tài cho dừng trận đấu và tiếp tục lại trận đấu bằng quả phạt gián tiếp.

Trong những tình huống sau đây trọng tài cho dừng trận đấu và tiếp tục lại bằng quả phạt gián tiếp bất kể bàn thắng có được ghi hay không:

  • Quả phạt đền được đá về phía sau.
  • Đồng đội của cầu thủ được chỉ định đá phạt thực hiện quả phạt đền; trọng tài cảnh cáo cầu thủ không được chỉ định này
  • Làm động tác giả đá bóng khi cầu thủ thực hiện đá phạt đã kết thúc bước chạy đà (hành vi đánh lừa trong khi chạy lấy đà là được phép); trọng tài cảnh cáo cầu thủ đá phạt

14.5 Thủ môn vi phạm

Nếu bóng không vào cầu môn, quả phạt được thực hiện lại; thủ môn bị cảnh cáo nếu chịu trách nhiệm về lỗi vi phạm.

14.6 Lỗi vi phạm tại cùng 1 thời điểm:

Cầu thủ của cả hai đội vi phạm luật thi đấu quả phạt được thực hiện lại ngoại trừ cầu thủ vi phạm những lỗi nghiêm trọng hơn. (ví dụ: cố tình giả vờ).

Luật 15: Quả ném biên

15.1 Dùng cả hai tay ném bóng

Vào thời điểm ném bóng, cầu thủ ném biên phải:

  • Hướng mặt vào sân
  • Giẫm một phần mỗi chân trên đường biên dọc hoặc đứng hẳn ra ngoài đường biên dọc.
  • Dùng cả hai tay để ném bóng từ phía sau và qua đầu từ vị trí bóng đã ra ngoài sân thi đấu

15.2 Vi phạm khoảng cách 2 mét

Một cầu thủ đối phương cố tình làm phân tán hoặc làm cản trở cầu thủ ném biên (bao gồm việc di chuyển vào vị trí quả ném biên được thực hiện gần hơn 2 mét) sẽ bị cảnh cáo vì hành vi phi thể thao và nếu quả ném biên đã được thực hiện thì đội ném biên sẽ được hưởng quả phạt gián tiếp.

Luật 16: Phát bóng

16.1 Quả phạt góc cho đội đối phương nếu bóng được đá trực tiếp vào cầu môn đội đá phát bóng

Bàn thắng có thể được ghi trực tiếp từ quả phát bóng nhưng chỉ được tính nếu vào cầu môn đội đối phương, nếu bóng đi trực tiếp vào cầu môn của đội đá phát bóng, đội đối phương sẽ được hưởng quả phạt góc nếu bóng đã ra khỏi khu vực phạt đền.

16.2 Bóng phải để tĩnh

  • Bóng phải được đặt tĩnh và được đá từ bất cứ vị trí nào trong phạm vi khu vực cầu môn bởi 1 cầu thủ của đội phòng ngự

16.3 Cầu thủ tấn công trong khu vực phạt đền:

  • Nếu cầu thủ đối phương còn ở trong khu vực phạt đền khi quả phát bóng được thực hiện chạm hoặc tranh bóng trước khi bóng chạm cầu thủ khác ngoài khu phạt đền thì quả phát bóng được thực hiện lại

Luật 17: Quả phạt góc

17.1 Phạt góc nếu bóng được đá trực tiếp vào cầu môn của đội thực hiện quả  phạt góc.

  • Một bàn thắng có thể được ghi trực tiếp từ quả phạt góc nếu bóng vào cầu môn đội đối phương, nếu bóng đi trực tiếp vào cầu môn của đội thực hiện quả đá phạt , đội đối phương được hưởng quả phạt góc.

17.2 Bóng phải ở trạng thái tĩnh và sau đó rõ ràng di chuyển vào trong cuộc

  • Bóng phải được đặt ở khu vực góc
  • Bóng phải được đặt tĩnh và được đá bởi cầu thủ đội tấn công
  • Bóng được coi là trong cuộc khi được đá và rõ ràng di chuyển.

                  ==========================

Nguồn: vff.org.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.